
Khi vùng đất Bà Rịa-Vũng Tàu chỉ mới được khai phá hơn trăm năm, cụ Trịnh Hoài Đức đã nhận xét: “Bà Rịa ở đầu trấn Biên Hòa là đất có danh tiếng”… Ngày nay, khi nói đến Bà Rịa-Vũng Tàu, người ta thường lưu ý đến vị trí cửa ngõ, vai trò kinh tế, văn hóa và an ninh quốc phòng cả trong quá khứ và hiện tại của vùng đất này đối với Nam Bộ nói chung và miền Đông Nam Bộ nói riêng.
Nhìn lại những gì đã đạt được trong nghiên cứu khoa học lịch sử hơn 10 năm qua, những người trong Hội Khoa học Lịch sử tỉnh nhà rất tự hào, trân trọng sự nỗ lực và quan tâm, đóng góp của các đồng chí lãnh đạo, các bậc cách mạng lão thành-nhân chứng lịch sử và những người nghiên cứu lịch sử, trong đó có nhiều người là hội viên của Hội Khoa học Lịch sử tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu hôm nay. Đó là những kết quả quan trọng, không chỉ đã khỏa lấp những khoảng trống lịch sử mà còn đặt cơ sở và tiền đề cho bước nghiên cứu tiếp theo mà Hội Khoa học Lịch sử tỉnh chắc chắn sẽ đóng vai trò chủ đạo. Một chương trình-kế hoạch nghiên cứu và truyền bá lịch sử tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu dài hơi, mang tính toàn diện, có chiều sâu và tập hợp được trí tuệ tập thể hội viên chắc chắn là mong muốn của Hội khoa học Lịch sử tỉnh nhà.
Trong suốt các quá trình lịch sử Bà Rịa-Vũng Tàu luôn là vùng đất tiếp giáp, cũng có thể gọi là dấu nối, “khu đệm” của các nền văn hóa, văn minh. Thời sơ sử là “biên giới” của văn hóa Sa Huỳnh. Tiếp đến là văn hóa Óc Eo, văn hóa Phù Nam với văn hóa Chămpa, và văn hóa Chămpa với văn hóa Chân Lạp (Khơme). Dưới thời các chúa Nguyễn, vua Nguyễn và kéo dài về sau, Bà Rịa-Vũng Tàu cũng là dấu nối-“khu đệm”, là “vùng chuyển tiếp” của văn hóa vùng/miền Nam Trung Bộ và Nam Bộ. Ở vào vị trí vừa là cửa ngõ về mặt địa lý, vừa là cửa ngõ về mặt văn hóa, Bà Rịa-Vũng Tàu đã có một vị thế nhất định trong suốt các quá trình lịch sử. Và tất nhiên, trong lòng đất, trong đời sống văn hóa xã hội của cư dân Bà Rịa-Vũng Tàu trước đây (và có thể cả hiện nay) còn lưu giữ những dấu vết, những di tích và sự giao thoa, ảnh hưởng của các nền văn hóa nói trên.
Trong quá trình mở đất mở nước về phương Nam, Bà Rịa-Vũng Tàu là của ngỏ, là vùng đất đầu tiên người Việt khai phá ở Nam Bộ. Bà Rịa-Vũng Tàu nằm trên con đường di dân suốt nhiều thế kỷ. Trước đó, vùng đất này có thật sự là vùng hoang vu hay không. Một số tài liệu cho biết vùng tả ngạn sông Đồng Nai, từ Nam Cát Tiên đến Bà Rịa-Vũng Tàu xưa là đất của tiểu vương quốc Mạ (hay Châu mạ). Tiểu vương quốc Mạ có quan hệ như thế nào với nước Bà Lị(a)-Bà Rịa xưa? Nhiều tài liệu cũng cho biết, trước khi người Việt đến, vùng đất Bà Rịa-Vũng Tàu xưa có rất nhiều người Châuro sinh sống. Người Châuro xưa có thuộc tiểu vương quốc Mạ không? Châuro-Châu mạ có quan hệ gì. Và điều chúng ta quan tâm là quá trình giao lưu, ảnh hưởng văn hóa của cộng đồng Châuro và cộng đồng người Việt trong buổi đầu khai hoang mở làng trên vùng đất Bà Rịa-Vũng Tàu là gì, những biểu hiện của sự “tiếp biến” đó hiện nay có còn không, ảnh hưởng như thế nào?
Châu Đạt Quan, sứ thần nhà Nguyên, khi đi Chân Lạp, ngang qua Vũng Tàu (thế kỷ 13) đã cho biết về một thị trấn Chân Bồ? Ngoài thông tin trên, chúng ta chưa điều kiện tiếp cận các tài liệu khác nói về thị trấn này. Nhưng nếu đúng Vũng Tàu thế kỷ 13 là thị trấn Chân Bồ thì thị trấn đó như thế nào, sầm uất ra sao và không thể không để lại dấu vết trong lòng đất? Chân Bồ thuộc tiểu vương quốc nào cũng là vấn đề đáng quan tâm.
Trong một số công trình nghiên cứu gần đây, nhiều người cho rằng Vũng Tàu chính thức có xóm làng, tức có con người sinh sống ổn định từ cuối thời Gia Long, đầu triều vua Minh Mạng (1820) với sự xuất hiện đầu tiên của ba làng Thắng (Thắng Nhất, Thắng Nhị, Thắng Tam) gắn với vai trò của ba ông Đội. Như vậy, việc Lê Quý Đôn ghi lại trong Phủ biên tạp lục, trước thời điểm năm 1776 rằng xứ Vũng Tàu-nơi hải đảo có dân cư, là địa chỉ để các lái buôn tìm hiểu nơi nào ở Nam Bộ được mùa, mất mùa để tới buôn bán trao đổi là một thông tin rất quan trọng về quá trình hình thành dân cư ở Vũng Tàu chưa được chú ý đúng mức.
Nhiều bài viết nghiên cứu gần đây nói địa danh Bà Rịa chỉ xuất hiện thời thực dân Pháp xâm lược cuối thế kỷ 19 (và gắn với tên nhân vật Nguyễn Thị Rịa sau khi bà này qua đời đầu thế kỷ 19?). Thực ra, xứ Bà Rịa đã được gọi khá phổ biến chí ít cũng từ giữa thế kỷ 18.
Tóm lại, các chuổi sự kiện trên là những cột mốc mang tính liên tục của lịch sử quá khứ, rất cần được làm sáng tỏ. Một trong những lý do đó là chúng ta phải biết được đầy đủ những gì đã đọng lại ở vùng đất cửa ngõ này trong suốt các quá trình lịch sử.
Trong suốt quá trình lịch sử 300 năm đầy biến động của vùng đất Nam Bộ nói chung và Bà Rịa-Vũng Tàu nói riêng, nhiều vấn đề chung và riêng của từng địa phương-trên vùng đất này, đã được làm sáng tỏ từng phần hoặc từng bộ phận qua các cuộc hội thảo và các công trình nghiên cứu, biên soạn công phu nhân dịp kỷ niệm 300 năm vùng đất Nam Bộ. Nhưng đối với vùng đất Bà Rịa-Vũng Tàu vẫn còn những khỏang trống. Ít nhất các vấn đề sau đây rất đáng quan tâm nhưng chưa được làm sáng tỏ:
– Bà Rịa-Vũng Tàu là đất địa đầu trong quá trình người Việt tiến xuống phía Nam. Suốt nhiều thập kỷ trong thế kỷ XVII đây là nơi diễn ra nhiều sự kiện quan trọng về mối quan hệ Việt-Chân Lạp, về các trận đánh, cách thức bố phòng (đồn lũy) của các chúa Nguyễn, về việc tổ chức khai hoang lập làng, ổn định cuộc sống.
– Chúng ta đã biết đến một Cù Lao Phố phồn thịnh (kể cả so với Sài Gòn bấy giờ), vậy vai trò của cửa ngõ Bà Rịa-Vũng Tàu trong thời kỳ ấy được thể hiện như thế nào. Trên địa bàn thị xã Bà Rịa, thị trấn Long Điền, vùng Chợ Bến (Long Thạnh) hiện vẫn còn lại rất nhiều dấu tích (và cả “dư âm”) hội quán, thương quán của người Hoa (theo thống kê ban đầu có ít nhất là 9 hội quán vẫn còn tồn tại đến đầu thế kỷ 20). Đây là bằng chứng về sự phát triển của kinh tế thương mại. Có thông tin cho biết, một số người Hoa trước khi đến Biên Hòa, Chợ Lớn đã định cư và buôn bán ở Bà Rịa, Long Điền-Long Thạnh.
Trong thời kỳ phong trào Tây Sơn, vùng đất Bà Rịa-Vũng Tàu cũng có vai trò nhất định. Và sự kiện này có quan hệ ít nhiều với quá trình “đi xuống” của Cù Lao Phố, đến sự di chuyển của một bộ phận người Hoa vốn khá đông đảo và từng làm ăn phát đạt ở Bà Rịa, Long Điền, Chợ Bến… Hiện trên vùng đất Bà Rịa-Vũng Tàu còn khá nhiều dấu tích và cả truyền thuyết về những cuộc chiến giữa lực lượng Tây Sơn và Nguyễn Ánh cuối thế kỷ XVIII (ngay cả Châu Văn Tiếp, vốn quê ở Bình Định (Phú Yên?), tử thương ở Vĩnh Long vẫn được đưa về an táng tại Hắc Lăng-Tam Phước, Long Đất).
– Suốt nhiều thời kỳ, Bà Rịa-Vũng Tàu là vùng đất đón nhận nhiều lớp dân di cư khắp mọi miền đất nước. Có những thời điểm dân số Bà Rịa-Vũng Tàu tăng rất nhanh (tăng cơ học), như các thời điểm: đầu thế kỷ 20, vào thời kỳ thực dân Pháp thành lập các đồn điền cao su, thời kỳ ngay sau năm 1954, thời kỳ chính quyền Việt Nam cộng hòa thành lập các dinh điền, thời kỳ ngay sau 1975 và cả trong những năm gần đây. Nhiều du khách đã rất ngạc nhiên khi thấy một số xã ở Châu Đức, Xuyên Mộc, Tân Thành… hầu hết là người có quê gốc từ một huyện của Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Trị hay những tỉnh ở phía Bắc…
Sự biến động về dân số-lịch sử trong suốt các quá trình lịch sử không thể không đưa lại những ảnh hưởng về văn hóa-xã hội.
– Các địa danh trên vùng đất Bà Rịa-Vũng Tàu trước đây thường đi kèm với chữ “Phước” và chữ “Long” (thịnh) vốn có gốc từ tên huyện Phước Long-một trong hai huyện đầu tiên của Dinh Phiên Trấn thời Nguyễn Hữu Cảnh (1698). Sau này theo quá trình phát triển của các đơn vị hành chính, nhiều huyện, tổng, xã, thôn mới được hình thành cũng đã lấy một trong hai từ trên để đặt địa danh nhưng nhiều người đã gán chữ “Long” (rồng) trong các địa danh ở Bà Rịa-Vũng Tàu có quan hệ với Gia Long để giải thích? Ngay địa danh Bà Rịa (tên tỉnh) chẳng hạn, vẫn chưa có cách giải thích thuyết phục.
Ngoài các giả thiết Bà Rịa là tên người, tên một vương quốc cổ, gần đây, có ý kiến mới cho rằng Bà Rịa có nguồn gốc từ chữ Po Riyak vốn là tên vị thần Sóng (biển) mà cư dân bản địa trước đó tôn thờ bị người Việt đọc trại thành “bà-rịa”. Đi trên đường phố Vũng Tàu, không riêng du khách, ngay cả “dân gốc” cũng không hiểu nhân vật địa phương mình được đặt tên đường ấy là ai.
Một trong những vấn đề có ý nghĩa thực tiễn là lịch sử-truyền thống của vùng đất chúng ta đang sinh sống phải được khai thác như thế nào để giúp ích gì cho một trong những ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh là Du lịch?
Trên đây là một số vấn đề tản mạn, phác thảo bước đầu và chắc chắn còn nhiều sai sót. Người viết nêu lên không gì khác ngoài việc mong muốn các hội viên- đồng nghiệp, cùng quan tâm đến mảnh đất mình đang sinh sống theo Chương trình hoạt động của Hội Khoa học Lịch sử tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu.
Nguồn: https://www.vanchuongviet.org/index.php?comp=tacpham&action=detail&id=4279&fbclid=IwAR1bm9RcxUu0Hbh9Q3XJ-ZjPyog6iTQ6ZfAuIF7QMg3jFZ87v9xSKitfKgk
Để lại một phản hồi